Tin tức

Nhiệm vụ trong một đoàn làm phim

 

Executive Producer

Thường là người bỏ tiền ra đầu tư cho bộ phim. Cái chức danh này là chức danh ‘mua bán’, có tiền là có chức danh này!

Producer

Người producer là người tạo điều kiện để bộ phim được thực hiện. Producer đảm nhận trách nhiệm khởi xướng, phối hợp, giám sát và điều khiển các vấn đề như kiếm tiền làm phim, thuê những người quan trọng trong đoàn phim, tổ chức phát hành phim. Producer làm việc trực tiếp xuyên suốt quá trình làm phim, từ khâu phát triển ý tưởng đến khâu hoàn thiện và phát hành phim.

Line Producer

Là người chịu trách nhiệm toàn bộ vấn đề đối nội trong đoàn làm phim, là người giám sát các vấn đề sản xuất thực tế, không phải khía cạnh sáng tạo, bao gồm việc tổ chức nhân sự, thiết bị quay, kỹ thuật, kinh phí, lịch quay…

Production Manager (PM)

Production Manager hỗ trợ cho line producer các vấn đề sản xuất thực tế, không phải khía cạnh sáng tạo, bao gồm việc tổ chức nhân sự, thiết bị quay, kỹ thuật, kinh phí, lịch quay…, chịu trách nhiệm cho việc đoàn phim phải quay đúng lịch và trong giới hạn kinh phí đã lên. PM cũng quản lý kinh phí từng ngày như quản lý chi tiêu, tiền lương, chi phí sản xuất, chi phí thuê thiết bị từng ngày, lên Call Sheet v.v.. PM làm việc dưới sự giám sát của một Line Producer và trực tiếp giám sát các Production Coordinator.

Production Coordinator

Là người đảm nhận việc tổ chức hậu cần từ chuyện thuê đoàn phim, thuê thiết bị, thuê diễn viên…

Ở các đoàn làm phim nhỏ, Producer sẽ kiêm luôn công việc của Production Manager và Production Coordinator.

Đạo diễn

Đạo diễn là người chịu trách nhiệm tổng quát về mặt sáng tạo của bộ phim, bao gồm kiểm soát nội dung phim, nhịp phim, chỉ đạo diễn xuất của diễn viên, tổ chức và chọn lựa bối cảnh của bộ phim, quản lý các vấn đề kỹ thuật như vị trí của máy quay, cách sử dụng ánh sáng, tính toán thời gian và nội dung của âm thanh và âm nhạc của bộ phim. Đạo diễn là người đưa ra các quyết định cuối cùng về mặt sáng tạo của bộ phim.

Mặc dù đạo diễn có rất nhiều quyền lực, nhưng thông thường cuối cùng họ cũng bị phụ thuộc vào các nhà sản xuất của phim. Nhiều đạo diễn, đặc biệt là các đạo diễn có tên tuổi, thường đảm nhận luôn vai trò producer, và sự khác biệt giữa hai vai trò này đôi khi rất mông lung.

Trợ lý đạo diễn thứ nhất (First Assistant Director – 1st AD)

Trợ lý đạo diễn thứ nhất là người trợ lý cho Production Manager và đạo diễn. Mục tiêu cuối cùng của 1st AD là đảm bảo cho bộ phim được quay đúng tiến độ cũng như đảm bảo cho môi trường làm việc của đoàn phim, từ đạo diễn, diễn viên, các thành phần phụ khác, đều có thể tập trung vào công việc của họ. 1st AD là người điều hành công việc trên phim trường, thông báo cho các tổ trưởng các tổ biết được công việc của họ là gì, công việc chuẩn bị làm là gì, cảnh quay nào đang quay hoặc sắp quay, điều diễn viên ra hiện trường hoặc cho họ nghỉ ngơi trong khi đoàn phim đang đặt đèn… Nói chung, người này chịu trách nhiệm quản lý toàn bộ lịch làm việc hàng ngày của đoàn phim và diễn viên, thiết bị, kịch bản và bối cảnh. 1st AD đôi khi cũng chịu trách nhiệm cho việc chỉ đạo diễn xuất diễn viên quần chúng trong các cảnh lớn hoặc toàn bộ một cảnh nhỏ, khi được đạo diễn yêu cầu và cho phép. 1st AD và Production Manager là hai vị trí cao nhất của nhóm below-the-line, tức nhóm kỹ thuật (khác với nhóm above-the-line, là nhóm sáng tạo).

Quyền lực của 1st AD trên hiện trường trong một số khía cạnh cao hơn đạo diễn. Vì trách nhiệm của 1st AD là điều hành sự vận hành của đoàn phim để mọi thứ diễn ra đúng tiến độ, 1st AD phải luôn thông tin cho đạo diễn biết tiến độ đang đến đâu (chậm hay nhanh hơn so với kế hoạch) và đôi khi, có quyền yêu cầu đạo diễn phải quyết định cắt bỏ một số cảnh quay theo kế hoạch để đảm bảo tiến độ, và yêu cầu ngừng quay khi đoàn phim đã lố giờ quay cho phép. Tại Mỹ, các thành viên của đoàn phim đa số là người của các nghiệp đoàn, và các nghiệp đoàn đều có các quy định về an toàn lao động cũng như số giờ làm việc mỗi ngày (chẳng hạn như diễn viên không làm quá 12g/ngày, không làm liên tục quá 6 tiếng và nghỉ giữa ngày phải ít nhất 30p, và phải có ít nhất 12g nghỉ ngơi sau một ngày làm việc, nếu làm hơn phải trả tiền thêm và diễn viên cũng có quyền từ chối. Các vị trí khác như quay phim, gaffer, PA…. làm việc không quá 14g/ngày và ít nhất 10 tiếng nghỉ ngơi). 1st AD phải chịu trách nhiệm không để vi phạm các quy định này và yêu cầu đạo diễn phải cho ngừng làm việc khi đến giờ nghỉ.

 

Trợ lý đạo diễn thứ hai (Second Assistant Director – 2nd AD)

Trợ lý đạo diễn thứ hai là trợ lý trưởng của 1st AD và giúp 1st AD thực hiện một số nhiệm vụ. Ngoài việc giúp 1st AD lên lịch quay, đặt chỗ, gọi điện cho diễn viên và đoàn phim đến, điểm danh đoàn phim v.v… 2nd AD còn có thể tham gia chỉ đạo diễn viên quần chúng. 2nd AD cũng chịu trách nhiệm làm Call Sheet (tức bảng phân công công việc và thông báo lịch quay hàng ngày) để cho đoàn phim biết thời khoá biểu quay và những thông tin quan trọng cho ngày quay.

Production Assistant (Trợ lý sản xuất – PA)

Trợ lý sản xuất phụ giúp cho 1st AD trong việc điều hành trường quay – chẳng hạn đi gọi diễn viên quay trở lại trường quay, thông báo đến từng thành viên trong đoàn phim công việc họ phải làm, hô to cho mọi người biết các hiệu lệnh (chẳng hạn như hô ‘quay, cắt’ sau khi đạo diễn đã hô để cho bà con xa gần ai cũng biết), kiểm tra hiện trường đảm bảo không có gì cản trở giữa chừng mỗi cảnh quay, đưa giấy tờ đến cho từng người trong đoàn phim… PA là những người đến hiện trường đầu tiên và rời hiện trường cuối cùng. PA cũng đảm nhận luôn công việc văn phòng với các công việc giấy tờ chung chung, gọi điện thoại đi các nơi, photo kịch bản, đi lấy đồ ăn trưa, trợ giúp cho Production Coordinator và Production Manager. PA thường không đòi hỏi người có chuyên ngành điện ảnh hay học trường điện ảnh ra, nhưng đồng thời nhiều người trở thành đạo diễn bắt đầu từ vị trí PA, đặc biệt là PA cho phim truyền hình.

Thư ký trường quay (Script Supervisor)

Thư ký trường quay theo dõi xem phần nào của kịch bản đã được quay và ghi chú các khác biệt giữa những gì đã được quay so với kịch bản đã được viết ra. Người này cũng phải viết các ghi chú cho từng cảnh quay và theo dõi đường dây di chuyển của các diễn viên, đạo cụ và tất cả các chi tiết khác để đảm bảo việc liên tục từ shot này sang shot khác, từ scene này sang scene khác. Thư ký trường quay làm việc chặt chẽ với đạo diễn. Thư ký trường quay nắm giữ vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với người dựng phim, bởi đây là người ghi chép lại các thông số kỹ thuật, từ ghi chú về slate, đến thông số ống kính, tiêu cự, độ dài của mỗi shot, âm thanh có hay không, take nào là take mà đạo diễn chọn (good take). Tóm lại, các ghi chú của người thư ký trường quay để đảm bảo các cảnh quay khi về dựng có thể dựng được với nhau.

TỔ QUAY PHIM


Giám đốc hình ảnh (DP – director of photography)

DP là người đứng đầu tổ quay phim và ánh sáng của một bộ phim. DP đưa ra những quyết định về ánh sáng và khung hình của mỗi cảnh phim trong sự thống nhất với đạo diễn. Thông thường, đạo diễn sẽ nói với DP họ muốn cú máy trông ra sao, và người DP sẽ chọn bộ lọc (filter), độ mở khẩu và cách đặt ánh sáng để đạt được yêu cầu hiệu quả nhất. Mối quan hệ giữa đạo diễn và quay phim rất tuỳ thuộc vào thói quen làm việc của mỗi đạo diễn: có đạo diễn để DP toàn quyền quyết định, nhưng có đạo diễn đòi hỏi phải có được quyền quyết định cuối cùng thuộc về họ. Sự xung đột giữa đạo diễn và quay phim thường dẫn đến… sự ra đi của người quay phim, bởi nó ảnh hưởng đến toàn bộ đoàn phim và bản thân bộ phim!

Thông thường, đạo diễn luôn muốn thuê những người quay phim hiểu ý họ nhất và dễ hợp tác nhất. Nhiều đạo diễn chỉ thích làm việc với một số DP thân thiết của mình. Chẳng hạn hễ nói đến phim của đạo diễn Steven Spielberg, người ta nghĩ ngay đến DP Janusz Kamiński, người đã quay tất cả các phim của Spielberg kể từ Bản danh sách của Schindler cho đến Indiana Jones và Vương quốc đầu lâu pha lê, Munich, Đại chiến thế giới, Nhà ga hàng không, Bắt tôi nếu có thể, Trí thông minh nhân tạo, Giải cứu binh nhì Ryan,… Hay nói đến thành công của đạo diễn Vương Gia Vệ không thể không nói đến sự góp phần của tài năng quay phim Christopher Doyle, khi họ cùng hợp tác làm một loạt phim đẹp bay bổng mơ màng kể từ A Phi chính truyện, Chuyến tàu Trùng Khánh, Đông tà Tây độc, cho đến Hạnh phúc bên nhau, Tâm trạng khi yêu, 2046. Ngay cả ở Việt Nam, chúng ta cũng có cặp bài trùng đạo diễn Lê Hoàng – quay phim Phạm Hoàng Nam.
Chỉ cần so sánh đơn giản: Bạn muốn có một đạo diễn hình ảnh kinh nghiệm quay bộ phim của bạn trên DSLR, hơn là có một đạo diễn thiếu kinh nghiệm quay bộ phim của bạn trên ALEXA. Dù việc lựa chọn camera không quan trọng, việc lựa chọn đạo diễn kinh nghiệm chắc chắn quan trong.

Trong trường hợp tốt nhất, bạn đã có cả một máy quay phim cao cấp và một DP tài năng trong nhóm. Nhưng nếu ngân sách chỉ cho phép lựa chọn một trong hai, hãy chọn DP. Ánh sáng, thành phần, và chuyển động máy quay tuyệt vời mà một DP lão luyện mang đến sẽ được thể hiện tốt hơn trên máy quay hơn là chỉ có máy quay cao cấp mà không biết khai thác các yếu tố đó.

Tóm lại, đạo diễn hình ảnh (DP hoặc DoP) quản lý bộ phận camera, bộ phận chiếu sáng, điện, và hiểu cơ khí. Họ là trưởng Ê-kíp quay phim. Đạo diễn phim sẽ nói cho DP họ muốn hình ảnh quay như thế nào. Sau đó, họ sẽ làm việc với các bộ phận này để lựa chọn camera, ống kính, bộ lọc, thành phần cảnh, thiết kế và thiết lập ánh sáng, và bất kỳ thiết bị cần thiết nào.
Nhà quay phim (Cinematographer) thường dùng để chỉ DP, nhưng nhiều người trong nghề ở Hollywood cho rằng họ chỉ dùng từ này để chỉ những DP kiêm luôn vai trò điều khiển máy quay phim (camera operator).

Quay phim (Camera Operator)

Một bộ phim chỉ có một DP nhưng có thể có nhiều quay phim khác nhau. Quay phim là người trực tiếp điều khiển máy quay phim theo chỉ dẫn của DP hoặc đạo diễn. Thông thường, ở Hollywood, DP không trực tiếp điều khiển máy quay phim. Thế nhưng ở những phim kinh phí thấp, họ vẫn thường kết hợp cả hai nhiệm vụ cho một người. Trong khi đó, trong một số trường hợp đặc biệt, một phim không chỉ có nhiều hơn một quay phim, mà còn có người quay phim steadicam (tức người điều khiển một loại máy quay chuyên dùng đòi hỏi kỹ năng điều khiển đặc biệt) và kỹ thuật viên điều khiển thiết bị điều khiển máy quay (còn gọi là camera robot, cho phép người điều khiển có thể lặp lại một động tác máy hàng trăm lần như một). Phụ giúp cho người quay phim là Phụ quay thứ nhất (gọi tắt là 1st AC – First Assistant Camera), hay còn gọi là người chỉnh focus, có nhiệm vụ đảm bảo mọi cảnh quay đều nét; phụ quay thứ hai (2nd AC), đảm nhận công việc điều khiển tấm clap (trên đó có ghi đầy đủ các thông số về cuộn phim, cảnh quay, đạo diễn, quay phim, ngày quay v.v… để người dựng phim có thể biết được nội dung của cảnh quay) vào đầu mỗi cú máy, cũng như lắp ráp phim (cho phim nhựa và băng) hoặc tải phim (đối với phim kỹ thuật số) sau mỗi cảnh quay trong trường hợp không có người chuyên làm công việc này. 2nd AC cũng chịu trách nhiệm ghi chú việc giao nhận phim, giám sát việc tổ chức thiết bị máy quay và di chuyển thiết bị từ bối cảnh này sang bối cảnh khác.

Người quay phim là người điều khiển camera. Họ là những người phía sau ống kính và kiểm soát camera. Vị trí này khác nhau ở mỗi trường quay và mỗi cảnh một đạo diễn có thể chỉ định vị trí này cho những cảnh nhất định.

Nhà quay phim và đạo diễn hình ảnh được sử dụng thay thế cho nhau. Đạo diễn hình ảnh trong phần credit là giám đốc hình ảnh (chief cinematographer). Đạo diễn hình ảnh xuất sắc được mời vào làm thành viên Hiệp hội các nhà Quay phim điện ảnh Hoa Kỳ (ASC).

Nếu đạo diễn hình ảnh giao cho người khác điều khiển camera hoặc nếu nhiều camera đang được sử dụng cùng một lúc, những người quay phim khác chỉ gọi đơn giản là người quay phim (Camera Operator).

Phụ quay 1 ( 1st AC, Focus Puller, Assistant Cameraman, B Camera)

Phụ quay 1 phụ trách của bộ phận camera. Trong một cảnh, Phụ quay 1 chịu trách nhiệm việc lấy nét cho camera. Điều này đã dẫn đến một cách gọi khác cho thành viên này là người lấy nét (focus puller). Họ có trách nhiệm bảo dưỡng và chăm sóc của tất cả camera. Trong quá trình tiền kỳ, Phụ quay 1 sẽ đi đến các nhà thuê để kiểm tra thiết bị và đảm bảo mọi thứ đã sẵn sàng theo lịch trình.

Trên trường quay, phụ quay 1 sẽ dựng camera, hoán đổi ống kính và di chuyển nó qua các cảnh. Họ cũng chịu trách nhiệm cho việc cập nhật dope sheet. Dope sheet là một bản báo cáo thu hình liệt kê những cảnh đã được quay. Nếu quay trên phim nhựa, danh sách cũng sẽ có các nội dung của từng cuộn tiếp xúc.

Đáng chú ý nhất, phụ quay 1 không nên nhìn qua ống kính. Họ phải có khả năng giữ nét bằng cách chú ý đến khoảng cách giữa một chủ thể và camer.

Phụ quay 2 (2nd AC, Camera Loader, Clapper Loader)

Phụ quay 2 làm việc trực tiếp với Phụ quay 1. Phụ quay 2 điều khiển clapperboard ở đầu mỗi cảnh. Họ cũng lắp phim vào camera nếu không có người lắp phim trên trường quay. Họ ghi chú khi phim nhựa được nhận, sử dụng, và gửi để hoàn thiện. Phụ quay 2 cũng giám sát việc vận chuyển thiết bị thu hình đến các địa điểm khác nhau.

Phụ quay 2 cũng sẽ đánh dấu những đoạn thu hình, những điểm mà các diễn viên sẽ thực hiện. Họ cập nhật báo cáo thu hình cùng các cài đặt camera, như khẩu độ và độ dài tiêu cự. Điều này được ghi lại cho bất kỳ cảnh lấy lại hay quay lại trong tương lai.

Người điều khiển Steadicam

Người điều khiển Steadicam là một người điều khiển camera cụ thể sử dụng thiết bị Steadicam. Steadicam là một thương hiệu thiết bị ổn định camera; thuật ngữ này không nên sử dụng để mô tả các loại thiết bị ổn định khác như MoVI và Ronin.

Kỹ thuật viên hình ảnh số (DIT)

Kỹ thuật viên hình ảnh số chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng hình ảnh, chỉnh màu trên trường quay, và quản lý các công việc sản xuất. Các DIT quản lý tất cả phân phối dữ liệu và tập tin. Họ nhận thẻ nhớ của máy và ngay lập tức kết xuất và sao lưu footage. Sau đó, họ gửi các tập tin không nén cho các nhà dựng phim và tạo các tập tin phim dương bản nén (file proxy) cho đạo diễn. Các DIT có kiến thức chuyên môn sâu của tất cả mọi thứ liên quan đến kỹ thuật số như máy ảnh, codec, máy tính xách tay, màn hình, và các thứ khác.
Trợ lý bộ phận thu hình (Camera PA, Camera Intern, Camera Trainee)

 

Trợ lý bộ phận thu hình hỗ trợ Ekip quay phim với bất kỳ nhiệm vụ cần thiết nào. Họ ở trên trường quay để học bằng cách hỗ trợ cho mỗi vị trí được liệt kê ở trên.

Tổ Grip

Đứng đầu tổ Grip là Key Grip, người làm việc cùng với DP trong việc sắp đặt phim trường để đạt hiệu quả cao nhất trong việc tổ chức bố trí đèn và thiết bị ánh sáng. Với nhiều DP, người key grip là cánh tay trái của họ – có một key grip giỏi, DP hầu như không phải lo lắng nhiều cho công việc của họ. Trợ giúp cho Key Grip là best boy, cũng là người chịu trách nhiệm tổ chức xe tải chở thiết bị quay. Nhiệm vụ chính của tổ grip là làm việc cùng với tổ điện để đặt đèn một cách hiệu quả và an toàn nhất cho mỗi cảnh quay. Họ sẽ phụ trách tất cả những công việc di dời thiết bị trên trường quay, từ việc di dời và điều chỉnh bối cảnh để có thể đưa máy quay vào vị trí cho đến việc lắp ráp dolly (bao gồm đặt dolly vào vị trí, cân bằng, di chuyển các thanh dolly, và kể cả việc đẩy dolly).

Tổ Điện (Electrical)

Đứng đầu là gaffer, người chịu trách nhiệm cho việc thiết kế và tiến hành phương án đặt đèn đã được định ra. Nếu key grip là cánh tay trái thì gaffer chính là cánh tay phải của DP. Một gaffer có kinh nghiệm có thể điều phối toàn bộ việc đánh sáng, đặt đèn, biết nên sử dụng loại đèn nào, cường độ bao nhiêu, sử dụng gel màu gì v.v… để có thể đạt được ánh sáng cần thiết mà đạo diễn và DP mong muốn đạt được. Người trợ lý chính cho gaffer cũng được gọi là best boy. Tổ Điện còn có các kỹ thuật viên ánh sáng, chịu trách nhiệm đặt và điều khiển các thiết bị đèn.

Tổ âm thanh hiện trường

Tổ âm thanh hiện trường đảm nhận việc thu âm đồng bộ ngay tại hiện trường quay phim. Thông thường ở các đoàn phim nhỏ sẽ có hai người trong tổ này, bao gồm hoà âm hiện trường (production sound mixer) và điều khiển boom (boom operator). Người hoà âm hiện trường là người đứng đầu tổ âm thanh hiện trường, chịu trách nhiệm ghi âm lại toàn bộ mọi âm thanh trong suốt quá trình quay phim. Công việc này bao gồm việc lựa chọn và sử dụng loại microphone nào, thiết bị ghi âm nào, và cả việc hoà âm ngay tại hiện trường để đảm bảo âm thanh thu được có thể sử dụng cho phần hậu kỳ. Trong khi đó, người điều khiển boom có nhiệm vụ cài đặt di chuyển microphone trong quá trình quay phim – bao gồm việc đặt các radio microphone vào các vị trí quan trọng, gắn và giấu các thiết bị ghi âm lên người diễn viên, điều khiển cần boom để thu được tiếng của diễn viên những không được để micro lọt vào khung hình. Ngoài ra, tổ âm thanh hiện trường còn có thể có một kỹ thuật viên hỗ trợ có vai trò khá linh hoạt, thường là giúp quấn dây cáp cho người cầm boom trong quá trình quay. Tuỳ vào mức độ phức tạp của cảnh quay mà nhà sản xuất sẽ quyết định có nên thuê thêm một người hỗ trợ cho tổ âm thanh hiện trường hay không.

Tất cả chúng ta đều nghe hàng nghìn lần – âm thanh chiếm 50% bộ phim hoàn thiện, nhưng rất nhiều người trong chúng ta vẫn còn keo kiệt trong bộ phận này.
Không bao giờ đánh giá thấp sự phức tạp của việc thu âm hiện trường, vì âm thanh tồi là một cái gì đó mà khán giả của bạn (và các nhà phân phối tiềm năng) sẽ không bao giờ cho qua hoặc tha thứ. Dù sao đi nữa, dựa trên ngân sách để thuê người thu âm tiền kỳ tốt nhất có thể. Bằng cách đó, qua quá trình sản xuất, bạn sẽ thấy thoải mái khi biết bạn đang có đầy đủ mọi thứ.

TỔ MỸ THUẬT

Tổ Mỹ thuật trong các phim truyện lớn thường có đến hàng trăm người. Thông thường tổ Mỹ thuật gồm nhiều tổ nhỏ: tổ thiết kế mỹ thuật làm việc dưới trướng của art director, các hoạ sĩ thiết kế bối cảnh (set designer) và họa sĩ phác thảo; tổ trang trí bối cảnh làm việc dưới sự chỉ đạo của hoạ sĩ trang trí bối cảnh (set decoration); đạo cụ làm việc dưới quyền của propmaster; tổ thi cônglàm việc dưới sự kiểm soát của chỉ huy xây dựng, ngoài ra còn có tổ scenic (tổ phong cảnh) và special effects. Chính họ là những người chịu trách nhiệm ‘phù phép’ cho ngôi nhà bên bờ biển Bắc của thành phố Boston thành ngôi nhà xinh đẹp ở vùng Alaska xa xăm trong Lời cầu hôn (The proposal), đường phố Hội An của năm 2000 thành Sài Gòn những năm 50 trong Người Mỹ Trầm Lặng, hay một thị trấn ở bang Arizona của Mỹ trở thành khung cảnh của Ả rập Saudi trong The Kingdom!


Nhà thiết kế sản xuất (Production Designer)

Ở Mỹ, hầu như không có trường chuyên ngành dạy về thiết kế bối cảnh cho phim, các production designer là những người làm các ngành nghề khác, chẳng hạn như kiến trúc sư, thiết kế nội thất, hoạ sĩ, thiết kế sân khấu, chuyển sang làm thiết kế bối cảnh cho phim. Production designer là người chịu trách nghiệm cho việc sáng tạo toàn bộ yếu tố hình ảnh của phim, từ bối cảnh, trang phục, khung cảnh cho đến trang điểm. Production designer làm việc mật thiết với đạo diễn và quay phim để tạo ra ‘bộ mặt’ của bộ phim. Trong đa phần trường hợp, production designer được thuê và làm việc từ sớm trước khi đạo diễn hình ảnh tham gia vào dự án phim. Có những đạo diễn không phải lo lắng gì cho phần tiền kỳ của bộ phim nếu họ có một production designer tài ba. Chẳng hạn như người trong nghề ở Hollywood vẫn còn truyền tai nhau câu chuyện về đạo diễn Steven Spielberg đã hoàn toàn giao phó việc thiết kế bối cảnh của phim Bản danh sách của ông Schindler cho Allan Starski vì bận làm phim Công viên kỷ Jura. Ngày quay đầu tiên của bộ phim cũng là ngày đầu tiên Steven Spielberg nhìn thấy… bối cảnh phim của mình!

Công việc của production designer vô cùng quan trọng. Họ không chỉ tạo ra ‘bộ mặt’ của bộ phim, họ còn phải tim thấy ‘cái hồn’ của ‘bộ mặt’ ấy. Tạo ra vẻ đẹp độc đáo và xuyên suốt cho hình ảnh của bộ phim là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của người làm production designer. Chẳng hạn khi Richard Sylbert làm việc với đạo diễn của phim The Graduate, ông hiểu chủ đề của bộ phim là về cuộc đời tù túng của chàng trai trẻ Benjamin Braddock (Dustin Hoffman đóng), ông đã tạo nên những khung hình ẩn chứa thông điệp ấy: Ben luôn nằm trong những khung chữ nhật. Trong cảnh mở đầu phim, Ben ngồi tựa vào hồ cá và trông cậu như nằm trong hồ cá ấy. Hình ảnh ‘con cá Ben trong những cái hồ vô hình’ có thể thấy xuyên suốt cả phim, ngay cả khi gần cuối phim, Ben thoát ra bên ngoài ‘hồ cá’ tại đám cưới của người anh yêu, thì chỉ tích tắc sau đó, anh rơi vào ‘hồ cá’ khác – chiếc xe bus chở họ đi tìm hạnh phúc mới. Tương tự, trong Tâm trạng khi yêu, bộ phim kể về cuộc tình của những người xa lạ bỗng vô tình va đập vào nhau trong những tình cảnh éo le, không phải vô tình mà những hành lang trong phim đều nhỏ hẹp. William Chang đã sử dụng những không gian chật chội để tạo ra cảm giác cho người xem thấy sự va chạm vào nhau của những nhân vật trong phim là điều không thể nào tránh khỏi. Không chỉ vậy, vẻ đẹp của người phụ nữ với những đường cong quyến rũ ẩn sau chiếc sườn xám được tôn lên mạnh mẽ bởi chính những hành lang chữ nhật chật hẹp này.

Nhiều bộ phim độc lập không thuê thiết kế sản xuất do ngân sách hạn chế, và nó cho thấy những hạn chế. Bạn có thể đã nhìn thấy vô số các sản xuất chọn thuê máy quay chất lượng cao như ALEXA thay vì thuê nhóm sản xuất cần thiết cho cảnh quay của họ, và bộ phim sẽ bị thiệt hại nhiều nhất.

Một nhà thiết kế sản xuất tuyệt vời có thể làm cho phim của bạn: nhìn và cảm thấy đáng giá như một triệu đô, không liên quan đến việc bạn đang quay thể loại gì (phim nhựa hay số). Bằng cách tận dụng sự hiểu biết về màu sắc, địa điểm, và vô số các yếu tố khác – họ có thể làm tăng giá trị sản xuất rất nhiều mà không nhất thiết phải phá vỡ ngân sách của bạn.

Trong tổ Mỹ thuật, có nhiều tổ phụ: tổ mỹ thuật (cùng tên với tổ chính khiến không ít người lẫn lộn), tổ thiết kế, tổ đạo cụ, tổ trang phục, tổ thi công. Với những phim hoành tráng (chẳng hạn như Chúa tể những chiếc nhẫn, khi phải sản xuất hơn 19.000 bộ trang phục, 45.000 vũ khí đạo cụ và hàng trăm ngàn vật thể để hoá trang), tổ Mỹ thuật có thể có đến hơn 300 người để hoàn thành công việc!

Art Direction

Trái với suy nghĩ của nhiều người vị trí Art Director (Giám đốc Mỹ thuật) là hàng đầu, thực tế chức danh Production Designer (Thiết kế sản xuất) cao hơn vị trí Art Director. Production designer là người chịu trách nhiệm tổng thể, trong khi art director là người báo cáo lại cho production designer tình hình công việc và làm việc trực tiếp với hoạ sĩ và nghệ nhân, chẳng hạn như set designer (thiết kế bối cảnh), graphic designer (nghệ sĩ đồ hoạ) và hoạ viên, những người kiến tạo trực tiếp. Art director cũng làm việc trực tiếp với tổ xây dựng để giám sát về mặt thẩm mỹ và chất liệu của bối cảnh. Các trợ lý giám đốc mỹ thuật sẽ đảm nhận những công việc ‘tay chân’ hơn – đo đạc bối cảnh, tạo ra các đồ hoạ, thu thập thông tin cho production designer và phác thảo bối cảnh. Đôi khi, người thiết kế bối cảnh (set designer) cũng đảm nhận công việc trợ lý giám đốc mỹ thuật. Người thiết kế bối cảnh thông thường là một kiến trúc sư, đảm nhận việc thiết kế cấu trúc công trình hoặc bối cảnh nội thất dựa trên ý tưởng của production designer. Trong khi đó, hoạ viên (Illustrator) có nhiệm vụ phác thảo những ý tưởng của production designer thành hình ảnh.

Tổ thiết kế

Người trang trí bối cảnh (Set Decorator) phụ trách việc trang trí cho bối cảnh của phim, bao gồm cả việc thiết kế nội thất và tất cả những vật dụng nhìn thấy trên phim. Làm việc trực tiếp với production designer và art director, nhiệm vụ của set decorator cũng rất quan trọng – vì lẽ đó mà Viện hàn lâm của Chỉ đạo nghệ thuật Mỹ đều ghi nhận danh hiệu của production designer và set decorator. Trợ giúp cho họ còn có người phụ trách mua và thuê các vật dụng trang trí bối cảnh và người trang hoàng bối cảnh (set dresser).

Tổ đạo cụ

Props Master là người đảm nhiệm việc tìm và quản lý tất cả các đạo cụ xuất hiện trong phim. Bên cạnh họ là props builder (hay còn gọi là propmaker, tức người chế tạo đạo cụ), đảm nhiệm việc chế tạo các đạo cụ trong phim. Thông thường, họ là những kỹ sư kỹ thuật thông thạo việc xây dựng, tiện, làm điện v.v… Trong các phim khoa học viễn tưởng, họ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc chế tạo ra các đạo cụ độc đáo cả về mặt thiết kế mỹ thuật lẫn ứng dụng. Tổ đạo cụ còn có Armourer, tức những chuyên gia về vũ khí. Họ phải được đào tạo đặc biệt và có bằng cấp để có thể đảm nhận công việc dễ gây nguy hiểm này. (Nếu bạn còn nhớ, con trai của Lý Tiểu Long đã chết vì khẩu súng giả phát đạn thật trong khi đang đóng phim The Crow, cũng một phần do sự bất cẩn của người phụ trách vũ khí)

Tổ thi công

Người điều phối thi công (construction coordinator) giám sát việc thi công bối cảnh cũng như đặt mua vật liệu, lên kế hoạch làm việc và cố vấn cho thợ mộc, hoạ sĩ và thợ thi công.

Các tổ khác

Ngoài ra còn có các tổ phông cảnh (đảm nhiệm việc vẽ phông cảnh bầu trời, phông cảnh nhà cửa, các bề mặt của vật liệu trong bối cảnh bằng các phương phép vẽ thủ công hoặc in ấn), tổ cây xanh (đảm nhận việc thiết kế và bố trí cây xanh trong bối cảnh, trang trí vườn tược, hoa viên), tóc và trang điểm, phục trang (bao gồm thiết kế trang phục, cố vấn trang phục, người thử áo quần, thợ may v.v…). Tất cả họ khi bắt đầu công việc của mình phải hiểu rõ: bộ phim họ đang làm là về cái gì, thông điệp của nó là gì, và những gì họ làm đều phải phục vụ cho mục đích thể hiện thông điệp ấy.

Với người làm tóc, trang điểm và trang phục, công việc của họ liên quan trực tiếp đến diễn viên, tức liên quan trực tiếp đến nhân vật của bộ phim. Vì thế, quan trọng không kém, họ phải đọc kịch bản, nắm rõ tiểu sử nhân vật, tính cách của từng người để có thể thể hiện rõ nét qua bề ngoài của nhân vật.… Với các phim cổ trang, họ còn phải nghiên cứu và tham khảo tài liệu để biết được vào thời kỳ đó, người ta ăn mặc ra sao, trang điểm thế nào. Với các phim khoa học viễn tưởng đòi hỏi trí tưởng tượng, họ cũng phải trao đổi với production designer cũng như đạo diễn về nền tảng của các thiết kế.

 

EZ MEDIA OFFICE

Điện thoại: 091 771 0660 / 090 771 0660
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Website: www.ezmedia.com.vn

 

Chọn Ez Media vì sao ?

+ Phục vụ 24/24 khi khách hàng có nhu cầu
+ Đội ngũ quay phim và biên tập giàu kinh nghiệm
+ Trang thiết bị chuẩn hiện đại
+ Định hướng kịch bản rõ ràng trước khi triền khai.
+ Chi phí cạnh tranh nhất trên thị trường.

 

Fanpage chúng tôi